Bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng Hải Phòng.
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2024 sơ bộ đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so năm trước, vượt hơn gấp đôi chỉ tiêu phấn đấu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 (+6%). Mặc dù nhập khẩu cũng tăng mạnh, nhưng xuất khẩu đã giúp cán cân thương mại duy trì mức thặng dư lớn 24,77 tỷ USD. Đây là năm thứ 9 liên tiếp cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt xuất siêu.
Ghi nhận nhiều thành tựu
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ, rút ngắn thời gian để đạt những kỷ lục mới. Sau nhiều năm nỗ lực, đến năm 2012, kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 100 tỷ USD; năm 2017 (sau 5 năm) vượt mốc 200 tỷ USD; năm 2021 (sau 4 năm) vượt mốc 300 tỷ USD. Năm 2024 ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng đối với hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa. Tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tiến sát mốc 800 tỷ USD, đạt mức kỷ lục 786,29 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu lần đầu tiên vượt qua mốc 400 tỷ USD (sau 3 năm). Đây là thành tựu quan trọng trong nỗ lực phát triển thương mại quốc tế của Việt Nam. Kết quả này cũng đưa nước ta vươn lên vị trí 17 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải nhìn nhận: Những thành tựu trên cho thấy chính sách, sự điều hành của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động xuất nhập khẩu đã phát huy hiệu quả tốt, cùng nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tạo nguồn hàng và tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường.
Năm 2024 cũng ghi nhận nhiều kết quả tốt trong xuất khẩu nông sản. Gạo của Việt Nam đã vượt qua các đối thủ cạnh tranh lớn như Thái Lan, Ấn Độ để đạt những hợp đồng xuất khẩu lớn tại thị trường châu Á và châu Phi. Trái cây Việt Nam như mít, thanh long hay xoài gia tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính, đánh dấu bước tiến lớn trong việc nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm. Hàng nông sản hiện đang chiếm tỷ trọng đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU và Nhật Bản. “Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt hơn 10 tỷ USD, chiếm 10% tổng thặng dư thương mại của thị trường này, mang lại nhiều giá trị gia tăng cho đất nước”, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Huy thông tin.
Đặc biệt, phân tích sâu kết quả xuất khẩu còn cho thấy hoạt động sản xuất của khu vực kinh tế trong nước năm 2024 đã phục hồi rất tích cực; kim ngạch xuất khẩu khu vực này tăng 19,8%, cao hơn 5,5 điểm phần trăm so mức tăng chung kim ngạch xuất khẩu cả nước và cao hơn 7,5 điểm phần trăm so mức tăng của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (12,3%). Ngoài ra, mặt hàng điện tử máy tính và linh kiện tiếp tục dẫn đầu về giá trị xuất khẩu với kim ngạch đạt 72,6 tỷ USD, tăng 26,6% so năm 2023, chiếm 17,9% tổng kim ngạch xuất khẩu là minh chứng việc nước ta đang chuyển dịch hiệu quả từ việc sản xuất sản phẩm thô sang sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghệ cao.
Theo các chuyên gia, các thỏa thuận thương mại quốc tế Việt Nam tham gia ký kết đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào thành tích ấn tượng của hoạt động xuất khẩu. Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã giúp chúng ta mở rộng thị trường, giảm thiểu rào cản thuế quan, không chỉ thúc đẩy xuất khẩu mà còn tạo cơ hội gia tăng nhập khẩu công nghệ, thiết bị sản xuất hiện đại từ các quốc gia đối tác.
Vụ trưởng Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) Lương Hoàng Thái cho biết, trong năm 2024, ngoài việc tiếp tục củng cố các thị trường truyền thống, Bộ Công thương cũng tập trung mở rộng thêm các “kênh” mới để tìm hướng đi mới. Chúng ta đã thành công khai phá thị trường khu vực Trung Đông nhờ đưa FTA với Israel vào thực thi và ký kết FTA với UAE (CEPA). Thông qua việc ký kết hoặc hoàn tất các thỏa thuận thương mại quốc tế trong năm 2024, Việt Nam đã mở rộng khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu, giúp tăng trưởng xuất khẩu và tạo ra cơ hội đầu tư vào các ngành công nghiệp trong nước. Các thị trường FTA hiện đang chiếm đến 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta.
Hướng tới tăng trưởng bền vững
Đánh giá xuất khẩu năm 2024 phục hồi tăng trưởng nhanh, nhưng Thứ trưởng Công thương Phan Thị Thắng cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều yếu tố thiếu bền vững. Đó là phần lớn kim ngạch xuất khẩu là do doanh nghiệp FDI mang lại (khoảng trên 70%), nhưng lại phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Toàn bộ thặng dư trong cán cân thương mại cũng tới từ doanh nghiệp FDI trong khi khối doanh nghiệp trong nước liên tục nhập siêu với xu hướng ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào một số thị trường lớn, chủ yếu là các quốc gia Đông Bắc Á, Hoa Kỳ, ASEAN, EU (kim ngạch xuất khẩu tới 4 khu vực thị trường này chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu). Trong khi các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang một số thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ thường xuyên phải đối mặt với áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Mặt khác, giá trị gia tăng trong xuất khẩu vẫn chưa được như kỳ vọng, phần lớn hàng xuất khẩu thuộc nhóm hàng gia công, chế biến (như dệt may, da giày, điện tử) và tập trung ở nhóm doanh nghiệp FDI; tỷ lệ nội địa hóa thấp, phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu; hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực phần nhiều còn dưới dạng nguyên liệu thô, sơ chế, khả năng đáp ứng yêu cầu về chất lượng của thị trường thế giới hạn chế.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê còn nhắc tới sự giảm sút của xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến tổng thể kim ngạch xuất khẩu. Trong năm 2024, xuất khẩu sang thị trường này chỉ đạt 60,6 tỷ USD, giảm 1,1% so cùng kỳ năm 2023 (năm 2023 tăng 6,3% so năm 2022). Cùng với đó, việc xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào một số mặt hàng chủ lực như điện thoại, dệt may, giày dép và nông sản, chưa đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu có thể làm gia tăng rủi ro khi có biến động về giá cả hoặc nhu cầu giảm từ các thị trường chủ yếu.
Với kết quả hiện nay cùng nhiều yếu tố thuận lợi đang hiện hữu, ông Trần Thanh Hải kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu năm 2025 sẽ tiếp tục đạt mức 2 con số. Theo đó, thị trường thế giới phục hồi tốt sẽ là điểm căn bản góp phần gia tăng xuất khẩu của Việt Nam. Trong nước, các doanh nghiệp cũng đang duy trì tốt năng lực đầu tư và sản xuất, tạo điều kiện có nguồn hàng tốt cung ứng cho hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, bối cảnh thị trường còn nhiều yếu tố bất ổn, các doanh nghiệp cần tiếp tục củng cố năng lực để vượt qua khó khăn, sẵn sàng phản ứng với biến cố phát sinh và gia tăng giá trị hàng xuất khẩu. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu một cách bền vững.
Vụ trưởng Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) Đinh Thị Thúy Phương cũng nhấn mạnh việc doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu và giảm giá thành sản xuất để tăng cường tính cạnh tranh cho hàng Việt trên thị trường thế giới. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Phương kiến nghị cần đẩy mạnh đa dạng hóa hình thức tuyên truyền ưu đãi từ các FTA tới doanh nghiệp để góp phần nâng cao hiệu quả và tính bền vững cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA; khuyến khích doanh nghiệp tham gia thường xuyên vào các sự kiện phổ biến, tuyên truyền, đào tạo về xúc tiến thương mại; tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại hay kết nối cung cầu trong và ngoài nước.
Phó Vụ trưởng Kế hoạch-Tài chính (Bộ Công thương) Mai Thu Hiền cho biết: Kế hoạch của Bộ Công thương trong năm 2025 là tập trung khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực và ký kết, đồng thời triển khai thêm các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng; triển khai loạt giải pháp nhằm tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng; thúc đẩy chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, hướng tới xuất khẩu bền vững.
Bộ Công thương cũng sẽ tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; từ đó, đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam.
Theo nhandan.vn