Theo đó kết quả công bố, tỉnh Tuyên Quang xếp hạng chuyển đổi số năm 2023 thứ 38/63 tỉnh, thành phố, tăng 10 bậc so với năm 2022, tăng 20 bậc so với năm 2021 (giá trị DTI chung đạt 0,6735). Cụ thể:
Giá trị DTI về Chính quyền số đạt 0,7089 và xếp hạng 42/63 tỉnh, thành phố (tăng 05 bậc so với năm 2022, tăng 11 bậc so với năm 2021); giá trị DTI về Kinh tế số đạt 0,6197 và xếp hạng 24/63 tỉnh, thành phố (tăng 30 bậc so với năm 2022, tăng 21 bậc so với năm 2021); giá trị DTI về Xã hội số đạt 0,4443 và xếp hạng 18/63 tỉnh, thành phố (tăng 01 bậc so với năm 2022, tăng 44 bậc so với năm 2021).
Tuyên Quang xếp hạng DTI năm 2023 thứ 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tại Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tỉnh (khóa XVII) về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với quan điểm đề ra, tỉnh xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây cũng là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động của các cấp chính quyền, hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đảm bảo tính kế thừa, phù hợp với xu hướng phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; chủ động phòng ngừa, hạn chế các tiêu cực tác động trong quá trình thực hiện. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong cơ quan Đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và người dân. Ưu tiên chuyển đổi số ở một số lĩnh vực: Nông nghiệp, Giao thông vận tải và Logistics, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính - Ngân hàng, Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Du lịch...; trong quá trình chuyển đổi số phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan Nhà nước, tương tác với cơ quan Nhà nước để tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội; chú trọng thực hiện các giải pháp chuyển đổi nhận thức cho toàn dân.
Với mục tiêu chung là đổi mới căn bản, toàn diện công tác chỉ đạo, điều hành, vận hành hệ thống quản lý nhà nước và xã hội, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, giúp các ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và người dân triển khai hoạt động, quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng dịch vụ số đạt hiệu quả cao. Từng bước nâng thứ hạng của Tuyên Quang trên bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI); phấn đấu đến năm 2025 Tuyên Quang là một trong những tỉnh xếp hạng khá, đến năm 2030 là tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc. Kết quả nêu trên là sự phấn đấu không ngừng của tỉnh Tuyên Quang thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện trên cả 03 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số và cũng là cơ sở, tiền đề quan trọng để Tuyên Quang “tiến kịp, đi cùng” tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Nguyễn Thị Xuân Anh - Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang