Trang chủ
Tuyên Quang phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy giá trị của rừng
Tin bài

Tuyên Quang phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy giá trị của rừng

14/12/2023 - 19:26

Tuyên Quang là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về tỉ lệ che phủ rừng. Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ngành lâm nghiệp địa phương đạt hơn 1.750 tỉ đồng, đưa tỉnh trở thành trung tâm chế biến gỗ của khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Đời sống người trồng rừng không ngừng được nâng lên, lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế hiệu quả, có giá trị cao và bền vững.


Lãnh đạo xã Kháng Nhật (Sơn Dương) trao đổi
với người dân thôn Khuôn Phầy về phát triển nghề trồng rừng.

 
Gia đình ông Trần Văn Bắc, thôn Khuôn Phầy, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) cho biết, hiện nay gia đình ông có trên 17 ha rừng keo, mỡ và bồ đề. Nhờ chăm sóc cây tốt nên gia đình ông đã thu hoạch được 2, 3 đợt, tính trung bình khi thu hoạch cũng mang lại thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng từ mỗi ha rừng trồng. Cũng theo ông Bắc phát triển nghề trồng rừng đòi hỏi nhiều công sức nhưng bù lại rừng không phụ công của nhà nông, tính ra khoảng thời gian chờ rừng có thu hoạch, mọi người vẫn tranh thủ đi làm những việc khác, đi lao động ở những khu, cụm công nghiệp để tăng thu nhập cho gia đình. Khi rừng đến tuổi thu hoạch sẽ đem về một khoản tiền lớn, việc thoát nghèo, làm giàu từ rừng không khó.

Ông Kiều Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Kháng Nhật (Sơn Dương) cho biết, xã hiện có 994 hộ thì có đến hơn 90% số hộ dân duy trì, phát triển nghề trồng rừng, nhà ít cũng vài ha, nhà nhiều trên 20 ha, mỗi năm xã trồng cây mới từ 65 đến 75 ha, tổng diện tích đất rừng sản xuất là hơn 2.100 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 75%. Nhờ phát triển nghề trồng rừng đã góp phần nâng cao thu nhập xây dựng xã Kháng Nhật ngày càng phát triển hơn nữa, phấn đấu về đích  nông thôn mới vào cuối năm nay.

Từ những chính sách của tỉnh, người dân tích cực trồng rừng sản xuất, coi rừng là tài sản quý giá của mình. Tại các địa phương, đặc biệt là người dân tộc thiểu số đã thay đổi hẳn nhận thức, tư duy phát triển kinh tế rừng. Xã Kiến Thiết, (Yên Sơn) là một trong những xã vùng đặc biệt khó khăn, dân cư chủ yếu người Mông, Dao, Tày với tập quán làm rẫy nhưng từ khi tỉnh, huyện, xã vận động trồng rừng sản xuất và triển khai hỗ trợ chính sách của tỉnh, người dân đã thay đổi nhận thức về kinh tế rừng. Người dân đã biến những nương ngô, nương sắn, nương lúa thành những cánh rừng xanh tốt.
 

Lực lượng kiểm lâm cùng người dân xã Tân Long (Yên Sơn) tham gia tuần tra bảo vệ rừng.

Xã Tân Mỹ, (Chiêm Hóa) có trên 3.000 ha rừng sản xuất, trong đó 1.800 ha được cấp chứng chỉ FSC. Từ nguồn gỗ rừng trồng, xã đã phát triển 4 xưởng chế biến gỗ dăm, ván bóc, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương... Hàng năm, doanh thu từ rừng của xã đạt trên 20 tỷ đồng. Phát triển rừng đang là hướng đi có hiệu quả khai thác tiềm năng, thế mạnh của xã cũng như là cơ hội để người trồng rừng thực sự giàu lên từ rừng. Gia đình chị Giàng Thị Doa, thôn Khuôn Thẳm trồng 27 ha keo, bồ đề. Chị Doa chia sẻ: Rừng là nguồn sống của gia đình chị, cách 1 đến 2 năm lại được khai thác một đồi, đồi ít cũng được vài chục triệu, nhiều thì tiền trăm.

Bà Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang hiện có trên 426.000 ha rừng/tổng diện tích 448 nghìn ha đất lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng trên 65%, (đứng thứ 3 cả nước). Tỉnh cũng đã hình thành vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng trên 132.000ha, trong đó diện tích rừng gỗ lớn hơn 69.860ha, khai thác trên 1 triệu m3 gỗ mỗi năm (đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về sản lượng gỗ rừng trồng). Diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) trên 48.318ha. Tuyên Quang là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng. 

Hướng tới triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Tuyên Quang trở thành khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất chế biến gỗ”, những năm qua, tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào chế biến gỗ và lâm sản. Toàn tỉnh hiện có trên 10 doanh nghiệp có nhà máy chế biến gỗ đang hoạt động. Trong đó, có 8 công ty, nhà máy lớn, với công suất chế biến từ 20 đến 130 nghìn m3/năm. Nổi bật như Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Công ty cổ phần giấy An Hòa…
 
Công nhân làm việc tại dây chuyền chế biến gỗ
công nghiệp thuộc Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang.

 
Mục tiêu đến năm 2030, Tuyên Quang xây dựng được một trung tâm nghiên cứu, khảo nghiệm, phát triển các giống cây lâm nghiệp, cung ứng 20% nhu cầu cây giống cho vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Định hướng đến năm 2050, Tuyên Quang trở thành trung tâm vùng về công nghiệp chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ và giấy, có vị trí vững chắc trong chuỗi giá trị ngành gỗ và lâm sản của vùng, tham gia chuỗi sản xuất lâm sản ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu.

Tỉnh xác định phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới, đây là một trong 3 khâu đột phá tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Với sự phát triển của ngành lâm nghiệp những năm qua không chỉ tạo ra doanh thu, việc làm cho người lao động, ổn định cuộc sống của nhiều hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà còn giữ môi trường sống trong lành. Ngành lâm nghiệp đang phát triển theo hướng đa giá trị, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
PV

bình luận

Liên kết website
Tuyen Quang
Trang thông tin đối ngoại tỉnh Tuyên Quang
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông
Giấy phép xuất bản số: 181/GP-TTĐT do Cục Thông tin điện tử cấp ngày 01/10/2019
Trụ sở: Đường Đại Lộ Tân Trào, phương Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang
Số người online
165
Số lượt truy cập
379
Số lượt truy cập tuần
23534
Số lượt truy cập tháng
233667
Hòm thư điện tử
tuyenquang.gov.vntuyenquang.gov.vn
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.
Ghi rõ nguồn 'Thông tin đối ngoại tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'www.doingoai.tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.
EMCTuyenQUang
Đã kết nối EMC