Ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã phối hợp với các huyện, thành phố và các doanh nghiệp tổ chức các phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của trên 100 doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh tham gia. Qua đó đã cung cấp trên 47.000 vị trí tuyển dụng việc làm và học nghề cho người lao động, học sinh trên địa bàn tỉnh. Thông qua các phiên giao dịch này đã giúp kết nối doanh nghiệp và người lao động, tạo cho người lao động của Tuyên Quang có nhiều cơ hội tìm kiếm cơ hội việc làm để đăng ký đi làm việc từ đó góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo trên địa bàn.
Lao động làm việc tại Nhà máy may của Công ty TNHH một thành viên Seshin VN2 tại Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang).
Gia đình ông Phạm Văn Đông ở thôn Cầu Cả, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) từng có vợ và con trai đi xuất khẩu lao động, trong đó vợ ông đi làm việc ở Đài Loan đã hết hợp đồng về nhà còn con trai ông đang xuất khẩu lao động ở thị trường Nhật Bản, mỗi tháng gửi về cho gia đình hơn 20 triệu đồng. Từ nguồn tiền này, gia đình ông Đông đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh tế ngày càng khá giả, gia đình ông đã xây được nhà 2 tầng khang trang. Ông Đông chia sẻ, trong thôn ông hiện có hàng chục người đi làm việc ở nước ngoài, thu nhập trung bình đạt hơn 20 triệu đồng/ người mỗi tháng. Nhờ xuất khẩu lao động mà gia đình ông cũng như nhiều hộ dân trong thôn đã đổi đời. Có nguồn thu nhập khá từ xuất khẩu lao động, các hộ dân đã đầu tư phát triển thêm các mô hình kinh tế, tích cực đóng góp, tham gia xây dựng nông thôn mới khiến diện mạo làng quê ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Đang có việc làm ổn định với mức thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng, chị Hoàng Thị Thủy ở xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) chia sẻ, đầu năm 2024, sau khi tham gia phiên giao dịch việc làm tại thành phố Tuyên Quang chị đã tìm được việc làm trong lĩnh vực may mặc ở khu công nghiệp Long Bình An. Nhờ nguồn thu nhập ổn định từ khi đi làm ở công ty, gia đình chị vơi đi nhiều khó khăn. Gia đình chị có thêm điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, có thêm vốn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi lợn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với tăng cường giới thiệu việc làm, tỉnh Tuyên Quang cũng khuyến khích, hỗ trợ các điều kiện để người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ; phát triển du lịch gắn với các lễ hội và nghỉ dưỡng để tạo việc làm tại chỗ; nâng cao chất lượng đào tạo nghề...
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang
phối hợp tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm năm 2024 cho người lao động, học sinh trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Tuyên Quang cũng kêu gọi, thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Long Bình An (thành phố Tuyên Quang); chế biến gỗ, chế biến nông sản ở Cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa) và ở huyện Yên Sơn; chế biến khoáng sản, chế biến chè, may mặc ở Khu công nghiệp Sơn Nam (Sơn Dương); sản xuất linh kiện điện tử, nông sản xuất khẩu ở Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương),... qua đó mở ra cơ hội việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới.
Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 22.553 lao động, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Trong đó lao động làm việc tại các ngành kinh tế tại tỉnh là 14.123 người, lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong nước là 7.408 người và 1.022 lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Giải quyết việc làm hiệu quả đã góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho người lao động, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các đơn vị, các huyện, thành phố tiến hành rà soát số người trong độ tuổi lao động để tư vấn giới thiệu việc làm và đào tạo nghề phù hợp; tạo việc làm tại chỗ thông qua các chương trình phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với đó, tạo điều kiện, cấp giấy phép cho các doanh nghiệp có uy tín tuyển dụng lao động trong tỉnh đi làm việc. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành Luật An toàn vệ sinh lao động, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho các lao động địa phương... Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, giảm nghèo; phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%, đưa Tuyên Quang thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
PV