Đồng bào dân tộc Pà Thẻn thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) truyền dạy nghề thêu, dệt thổ cẩm.
Thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang có 170 hộ, trong đó có trên 90% số hộ là đồng bào Pà Thẻn. Chị Sìn Thị Nghiệp dân tộc Pà Thẻn ở thôn Thượng Minh cho biết: "Tôi và các chị em trong thôn được tập huấn nâng cao năng lực bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống và nghề dệt vải của dân tộc Pà Thẻn gắn với phát triển du lịch. Nhờ có lớp học mà chị em trong thôn đã biết thêu, dệt ngày một đẹp hơn. Ngoài làm trang phục, chị em còn dệt khăn và một số sản phẩm khác để bán cho khách đến tham quan, du lịch, từ đó tạo thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho gia đình".
Là du khách đến từ Hà Nội, anh Vũ Ngọc Điệp lần đầu tiên được trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Thượng Minh. Anh Điệp chia sẻ, anh cảm thấy thực sự thích thú, tại đây ngoài việc được tìm hiểu về phong tục tập quán của người Pà Thẻn, được mặc trang phục Pà Thẻn, anh cũng như nhiều người trong đoàn còn được trải nghiệm tự tay giã bánh giày và cùng làm các món ăn của dân tộc Pà Thẻn...
Được biết, những năm gần đây huyện Lâm Bình tổ chức các lớp tập huấn cũng như nhiều cuộc thi dệt thổ cẩm, qua đó nâng cao tay nghề, giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, xây dựng hình ảnh đẹp về vùng đất và người nơi đây với du khách. Theo ông Cao Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Bình, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Pà Thẻn gắn với phát triển du lịch được huyện quan tâm, chú trọng. Thời gian qua, Phòng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan mở các lớp truyền dạy nghề thêu, dệt thổ cẩm, đan lát, làm các dụng cụ lạo động sản xuất cho người Pà Thẻn ở địa phương. Việc tổ chức tập huấn, truyền dạy này sẽ góp phần phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc thiểu số nói chung, người Pà Thẻn nói riêng; nâng cao nhận thức của đồng bào trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong tình hình mới.
Du khách mặc trang phục phụ nữ Pà Thẻn trải nghiệm hái chè tại thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa).
Người Pà Thẻn ở xã Linh Phú (Chiêm Hóa) có 62 hộ với 279 khẩu sống tại 2 thôn Khuổi Hóp và Nà Luông. Dân tộc Pà Thẻn ở đây còn bảo tồn được nhiều nét văn hoá truyền thống đặc sắc có sức hấp dẫn, thu hút du khách đến với mảnh đất giàu tiềm năng về du lịch lịch sử, văn hoá và sinh thái. Nhằm giữ gìn và phát huy văn hóa của người Pà Thẻn, địa phương đã triển khai thực hiện Đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Pà Thẻn gắn với phát triển du lịch tại xã Linh Phú”. Đây là cơ sở khoa học cho việc quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển du lịch của huyện Chiêm Hóa, góp phần quan trọng vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bà Lâm Thị Hồng Ngân, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chiêm Hóa cho biết: Đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Pà Thẻn gắn với phát triển du lịch tại xã Linh Phú” do Phòng tổ chức thực hiện đã phát huy tiềm năng lợi thế, mở ra cơ hội phát triển mới cho người dân nơi đây. Phát triển du lịch cộng đồng homestay gắn với không gian văn hóa truyền thống dân tộc Pà Thẻn bước đầu đã thu hút khách du lịch.
Đến với homestay Pà Thẻn, ở thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú, chị Tô Thị Thu, du khách đến từ tỉnh Quảng Ninh bày tỏ: "Tham quan mô hình du lịch gắn với không gian văn hoá của người Pà Thẻn, tôi được trải nghiệm mặc trang phục truyền thống phụ nữ Pà Thẻn, làm bánh dày giã tay, hái chè, nấu các món ăn của dân tộc Pà Thẻn và tìm hiểu về Lễ hội nhảy lửa. Qua chuyến du lịch này, tôi đã có thêm nhiều trải nghiệm mới, thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng ".
Với những giải pháp, sự quyết tâm cao từ chính quyền địa phương và người dân, tin tưởng rằng công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn sẽ đạt được kết quả tích cực. Qua đó, thực hiện hiệu quả Dự án 6 về " Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch", thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, góp phần bảo tồn nền văn hóa Pà Thẻn trong nền văn hóa các dân tộc Việt Nam phong phú, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo tuyenquang.gov.vn