Đám cưới của người Dao đỏ ở xã Thổ Bình (Lâm Bình).
Ở Tuyên Quang, người Dao đỏ thường sinh sống ở một số xã thuộc các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên… với người phụ nữ Dao đỏ, chuyện ăn mặc rất được coi trọng, thể hiện sự sáng tạo, tinh tế trên từng đường kim, mũi chỉ; đối với người Dao đỏ, trang phục là một trong những chi tiết quan trọng đầu tiên để nhận biết và phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác. Hiện nay, Lễ cấp sắc, hát Páo dung của dân tộc Dao và nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chị Phùng Thị Tiên, thôn Tân Lập, xã Thổ Bình (Lâm Bình) chia sẻ, ngay từ khi còn nhỏ, chị đã được mẹ truyền dạy cho cách may bộ váy áo truyền thống của dân tộc mình. Mỗi bộ trang phục đều được thêu bằng tay (thủ công) rất kỳ công, tỷ mỷ, đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo trong từng đường kim, mũi chỉ, nhiều khi mất cả năm mới làm xong một bộ váy áo. Trước khi về nhà chồng, các cô gái Dao đỏ thường ở nhà tập trung cho việc thêu thùa, khâu vá, hoàn thành bộ trang phục của riêng mình.
Hiện nay trong cuộc sống sinh hoạt, một số người Dao đỏ vẫn duy trì việc mặc trang phục trong lao động sản xuất, đặc biệt là trong các đám cưới của người Dao đỏ. Anh Lý Tài Hiểu, dân tộc Dao ở thôn Noong Cuồng, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) bày tỏ: "Mặc trang phục dân tộc trong lễ cưới là truyền thống của gia đình tôi nhiều năm nay. Trang phục của người Dao đỏ chúng tôi rất đặc sắc, thể hiện tính thẩm mỹ, phân biệt các ngành Dao khác nhau. Tự hào là người Dao đỏ, tôi cũng muốn đóng góp cho việc giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình".
Người Dao đỏ ở Tuyên Quang luôn ý thức việc giữ gìn, truyền dạy cách làm trang phục cho thế hệ trẻ.
Chị Bàn Thị Hiền, thôn Bản Lục, xã Đà Vị (Na Hang) chia sẻ, trước đây, một bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Dao đỏ phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ việc nuôi tằm, dệt vải, nhuộm màu, thêu hoa văn, chạm bạc họa tiết yếm, vòng cổ... Ngày nay, người Dao đỏ đã lược đi những công đoạn như nuôi tằm, dệt, nhuộm vải, bởi mọi thứ đều có thể mua. Chính vì thế, tinh hoa văn hóa trang phục người Dao đỏ giờ đây chỉ tập trung vào những họa tiết thêu trên váy, áo. Những họa tiết, hoa văn được thêu trên trang phục từ 5 màu cơ bản: Đỏ, xanh, trắng, vàng, đen. Theo quan niệm của người Dao đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ và mọi điều tốt lành cho con người; điểm độc đáo trên trang phục của người Dao đỏ là bộ váy áo của người phụ nữ Dao đỏ là các hoa văn trang trí đều được thêu bằng tay, không theo mẫu có sẵn mà theo trí tưởng tượng của mỗi người từ những hình ảnh quen thuộc, gần gũi trong đời sống như hoa lá, cỏ cây, rừng núi, loài động vật. Do đó, hoa văn trang trí mỗi bộ trang phục đều có nét riêng, rất độc đáo, không có bộ nào giống bộ nào.
Ông Bàn Xuân Triều, Chủ nhiệm Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao tỉnh Tuyên Quang cho biết, từ khi thành lập năm 2014 câu lạc bộ đã có quy chế và mục tiêu hoạt động rõ ràng. Đó là nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Dao, như: Truyền dạy tiếng nói, chữ viết; duy trì, phát huy giá trị các nghi lễ cúng tổ tiên, cấp sắc; thêu hoa văn trang trí trên trang phục; truyền dạy các làn điệu Páo dung, các điệu múa trong nghi lễ tín ngưỡng, các trò chơi dân gian…
Vào những ngày hội người Dao đỏ thường chọn cho mình bộ trang phục đẹp nhất để đi hội.
Hiện toàn tỉnh có 346 câu lạc bộ đàn hát dân ca và bảo tồn văn hóa các dân tộc, trong đó có 23 câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao với hàng trăm hội viên. Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh di sản; đồng thời góp phần cổ vũ, tuyên truyền, khôi phục các giá trị tốt đẹp về văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Việc bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc hiện luôn được cấp ủy, chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm. Hằng năm, tỉnh tổ chức các cuộc liên hoan, trình diễn trang phục của các dân tộc thiểu số nhằm khôi phục và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Xác định phát triển du lịch theo hướng khai thác điểm đến du lịch gắn liền với bảo vệ và phát huy đặc trưng của cộng đồng địa phương. Do vậy, việc gìn giữ bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Dao đỏ là việc làm hết sức ý nghĩa. Chỉ khi mỗi cá nhân cho tới cả cộng đồng đi từ nhận thức đúng đắn đến sự tự ý thức trong ứng xử với trang phục truyền thống, thì giá trị văn hóa đặc sắc về trang phục mới được tôn vinh và có vị trí xứng đáng trong đời sống, góp phần tích cực vun đắp tình yêu văn hóa truyền thống, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc./.
Theo tuyenquang.gov.vn