Tăng tốc sau giai đoạn khó khăn
Với sự chủ động tăng tốc ngay từ đầu năm của các doanh nghiệp sản xuất, sự quan tâm của tỉnh, ngành Công Thương giá trị sản xuất công nghiệp ước 6 tháng đạt trên 11.587 tỷ đồng, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 9.000 tỷ đồng, một trong những đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 8,84%, đứng thứ 9/63 tỉnh thành phố.
Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng; một số sản phẩm chủ yếu tăng so với cùng kỳ, như: Điện sản xuất (tăng 38,7%); giấy đế xuất khẩu (tăng 13,3%); bột giấy (tăng 12,5%); gỗ tinh chế (tăng 11%); thép (tăng 10,9%);... Đặc biệt, một số sản phẩm công nghiệp nhiều năm có mức tăng trưởng thấp, 6 tháng đầu năm nay đã có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ: Đường kính (tăng 55,4); xi măng (tăng 11,4%).
Dây chuyền sản xuất bao bì PPE tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng của Công ty TNHH WooJin Vina Korea.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có thêm 14 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh, với tổng mức đầu tư trên 1.458 tỷ đồng, trong đó nhiều dự án có giá trị sản xuất công nghiệp cao, dự kiến nộp ngân sách lớn như: Nhà máy sản xuất ván sàn tại Cụm công nghiệp Thắng Quân huyện Yên Sơn, công suất 720.000m2 gỗ công nghiệp/năm, 1.200.000m2 gỗ composit/năm của nhà đầu tư Future Ghi Singapore (nhà đầu tư Singapore); Nhà máy sản xuất giấy Tissue, công suất 18.000 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy sản xuất bao bì xuất khẩu PPE tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng, công suất 650.000 sản phẩm bao bì/năm; Nhà máy sản xuất vải bản tarpuulin tại Khu công nghiệp Long Bình An, công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm;… các dự án hoàn thành đưa vào hoạt động dự kiến tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trên 650 tỷ đồng.
Nhà máy sản xuất bao bì xuất khẩu PPE tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng của Công ty TNHH WooJin Vina Korea chính thức sản xuất gần 1 tháng nay. Ông Trương Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH WooJin Vina Korea cho biết: Sau 2 năm xây dựng với tổng vốn đầu tư trên 70 tỷ đồng, tháng 5/2024, nhà máy chính thức hoạt động với 1 dây chuyền tự động hóa chiếm 70% sản xuất bao bì xuất khẩu PPE sang Hàn Quốc, châu Âu. Hiện doanh nghiệp đã ký đơn hàng sản xuất đến hết quý I/2025. Vì thế đang tăng cường sản xuất, phấn đấu 6 tháng cuối năm đạt 40 tỷ đồng.
Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu tại Khu Công nghiệp Long Bình An của Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang được đánh giá là nhà máy hiện đại nhất miền Bắc. Nhà máy có diện tích trên 2 ha, quy mô từ 30.000 m3 đến 50.000 m3 sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng đã sản xuất ổn định. Bà Cao Cẩm Tú, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang cho biết: Từ tháng 9/2023 đến nay, công ty liên tục ký được đơn hàng nên đã đẩy mạnh tốc độ sản xuất. Đây là dấu hiệu tích cực phục hồi sản xuất sau mấy năm ảnh hưởng dịch bệnh và bất ổn của thị trường thế giới. Hiện mỗi ngày đơn vị xuất 4 công hàng, tương đương với khoảng 1 nghìn tấn. Đơn vị đang duy trì làm 2 ca liên tục với trên 200 lao động, phấn đấu doanh thu năm 2024 đạt 160 tỷ đồng.
Bên cạnh những thuận lợi thì ngành công nghiệp của tỉnh cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu như hàng dệt may, chè, khoáng sản. Nguyên nhân được đánh giá là do nguyên vật liệu, vận tải tăng cao, thị trường xuất khẩu hẹp do tình hình kinh tế thế giới biến động…
Tháo gỡ khó khăn đưa các dự án mới đi vào sản xuất
Là một trong những dự án công nghiệp quan trọng của tỉnh - Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Công ty cổ phần Erex (Nhật Bản) đang được đẩy nhanh xây dựng tại Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang). Ông Honna Hitoshi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Erex cho biết: Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Tuyên Quang được đầu tư xây dựng trên diện tích 3,3ha. Nhà máy có công suất thiết kế sản xuất viên nén sinh khối 150.000 tấn sản phẩm/năm, dăm gỗ 150.000 tấn sản phẩm/năm, với tổng vốn đầu tư hơn 478,8 tỷ đồng (tương đương hơn 20,4 triệu USD). Sản phẩm sản xuất tại đây sẽ được xuất khẩu sang Nhật Bản và các quốc gia lân cận. Chúng tôi đang phối hợp với các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây lắp, phấn đấu đưa nhà máy vào hoạt động đúng cam kết với tỉnh. Dự án được động thổ đầu tháng 3 năm nay, dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thiện vào tháng 11 và đi vào vận hành từ tháng 12/2024.
Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần woodsland Tuyên Quang.
Nhà máy viên gỗ nén góp phần hiện thực hóa chính sách giảm phát thải ròng của Việt Nam, cung cấp điện ổn định, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh Tuyên Quang nói riêng và Việt Nam nói chung. Dự án vào sản xuất sẽ góp phần quan trọng tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Ông Hoàng Anh Cương, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp từ nay đến cuối năm, ngành tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư để rà soát, nắm bắt tiến độ thực hiện cũng như các khó khăn, vướng mắc của các dự án công nghiệp nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện. Đồng thời, tập trung quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ; huy động các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; sớm khởi công Khu công nghiệp Nhữ Khê - Đội Cấn và điều chỉnh, mở rộng quy hoạch khu, cụm công nghiệp...
Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ngành tham mưu với UBND tỉnh các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, đưa vào hoạt động ổn định dự án dự kiến có giá trị sản xuất công nghiệp cao, thu ngân sách lớn như: Nhà máy sản xuất vải bạt Tarpaulin công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm của Công ty TNHH Tarpaulin JoYoung vina; Dự án nhà máy sản xuất giấy Tissue công suất 18.000 tấn sản phẩm/năm của Công ty cổ phần Hồng Phát Tuyên Quang; Nhà máy sản xuất ván sàn công suất 1,92 triệu m2/năm của Công ty TNHH Future Ghi Singapore...
Ngoài ra, Sở sẽ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo như: Điện sinh khối, điện gió, điện mặt trời...; đẩy nhanh tiến độ, kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực đầu tư và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; tham gia kêu gọi, thu hút các dự án công nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà có giá trị cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, các sản phẩm mới tạo động lực tăng trưởng và năng lực sản xuất mới…
Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 đạt 23.730 tỷ đồng./.
Ths. Nguyễn Thị Mai
Giảng viên Trường Chính trị tỉnh