Quần thể núi Bà Đen nằm ở phường Ninh Sơn, phường Ninh Thạnh, xã Tân Thạnh, thành phố Tây Ninh
và một phần của xã Suối Đá, xã Phan, huyện Dương Minh Châu. Ảnh: Ái Vân
Tây Ninh có bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng về thiên nhiên, nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như du lịch tâm linh tại núi Bà Đen, Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, du lịch sinh thái Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, khu nghỉ dưỡng thể thao tại hồ Dầu Tiếng. Đặc biệt, tỉnh có gần 240km đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia, trong đó có 3 cửa khẩu quốc tế với hệ thống giao thông khá thuận tiện để kết nối với các địa phương và Vương quốc Campuchia. Đây là tiềm năng để Tây Ninh phát triển du lịch, nhất là du lịch quốc tế.
Những năm gần đây, các tiềm năng, lợi thế của du lịch Tây Ninh dần được đánh thức. Ngành du lịch đã thực hiện tốt việc khai thác, phát triển những tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch hiện có. Như khi đến với cửa khẩu Tân Biên sẽ có những điểm du lịch được khách du lịch gần xa ưa chuộng, đó là Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát, là một trong 10 vườn di sản ASEAN; Lăng mộ quan lớn Trà Vong, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam... Và từ cửa khẩu này, du khách có thể đến với Vương quốc Campuchia.
Campuchia là đất nước có những điểm đến tươi đẹp, được biết đến là một quốc gia nổi tiếng với các di sản thiên nhiên, văn hóa, tôn giáo phong phú, đa dạng như kiến trúc đền Angkor Wat và những ngôi đền thuộc quần thể Angkor, những bãi biển thuộc tỉnh Koh Kong, San Beach, biển hồ Tonle Sap ở Siem Reap... Những năm gần dây, các tỉnh, thành phố như Phnom Penh, Siem Reap, Sahan đã lột xác và trở thành những địa điểm hấp dẫn cho khách du lịch. Đặc biệt, hiện nay, Campuchia có hơn 20 dự án giao thông lớn được triển khai để kết nối các khu di tích với nhau, các trục đường chính này còn giúp người dân Campuchia có thể dễ dàng di chuyển đến các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Ông An Seyha, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Phnom Penh cho biết: "Sự phát triển của giao thông liên kết giữa hai quốc gia Việt Nam và Campuchia đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi di chuyển từ Việt Nam sang Campuchia qua đường hàng không, đường thủy, đường bộ và ngược lại. Đặc biệt, tuyến đường thủy giữa Campuchia - Việt Nam có chung dòng chảy của sông Mê Kông nên di chuyển thuận tiện từ Thủ đô Phnom Penh đến Việt Nam".
Tây Ninh và các tỉnh, thành phố của Vương quốc Campuchia đều có những điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Để đánh thức tiềm năng phát triển du lịch xuyên biên giới, Tây Ninh đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế, từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu của du lịch Tây Ninh với trọng tâm là du lịch quốc gia núi Bà Đen, lan tỏa đến các điểm du lịch lân cận. Đồng thời, quan tâm tới hoạt động đầu tư chủ yếu ở 3 lĩnh vực là đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch xây dựng; phát triển các tour, tuyến du lịch trong tỉnh; kết nối với các địa phương trong nước và quốc tế, quan tâm tới thị trường Campuchia, các điểm đến như Phnom Penh, Siem Reap...
Với vai trò là cầu nối, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh mong muốn, chính quyền các tỉnh của Vương quốc Campuchia tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch hai bên phát triển một cách tốt nhất. Hai bên phối hợp quảng bá các sản phẩm dịch vụ, du lịch đặc sắc của hai bên trên các phương tiện truyền thông của nhau. Phối hợp, liên kết xây dựng hình thành các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của du khách; tổ chức, tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức tại hai quốc gia; xây dựng tour, tuyến để đưa khách từ Campuchia sang Việt Nam và ngược lại.
Du lịch xuyên biên giới được Việt Nam và Campuchia coi trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Tây Ninh đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 doanh thu du lịch đạt 9.000 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ lữ hành 130 tỷ đồng, tổng lượng khách tham quan du lịch đạt 18 triệu lượt. Định hướng đến năm 2030, du lịch Tây Ninh sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tòa thánh Tây Ninh tọa lạc ở xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành - nơi đây
được biết đến là một công trình tiêu biểu của đạo giáo Cao Đài ở Tây Ninh. Ảnh: Ái Vân
Để đạt được mục tiêu đề ra, Tây Ninh đã triển khai nhiều đề án, kế hoạch về phát triển du lịch; kế hoạch nâng cao ý thức, trách nhiệm trong xây dựng, giữ gìn hình ảnh chất lượng phục vụ các dịch vụ du lịch; kế hoạch quảng bá, điểm đến du lịch và các sản phẩm du lịch đã được tỉnh Tây Ninh ban hành và triển khai thực điều kiện đồng bộ, có hiệu quả. Trong đó, tỉnh đã thực hiện đề án phát triển cụm, ngành du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019 - 2021 và định hướng đến năm 2030. Rà soát có kế hoạch, chính sách, giải pháp cụ thể mời gọi đầu tư, phát triển loại hình du lịch sinh thái trong hồ Dầu Tiếng, Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát, du lịch ven sông Vàm Cỏ Đông năm 2030.
Năm 2023, Tây Ninh được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho quản lý di tích lịch sử quốc gia là Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Đây là cơ sở để tỉnh chủ động đầu tư tôn tạo, sửa chữa các công trình, góp phần thu hút và giữ chân du khách. Đồng thời, triển khai kế hoạch thực hiện chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, xúc tiến du lịch trong tỉnh, trong nước và ngoài nước, tạo sự lan tỏa, giới thiệu du lịch đến bạn bè quốc tế.
Hiện nay, Tây Ninh và các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia đã áp dụng nhiều giải pháp để tăng lượng khách du lịch, trong đó, thúc đẩy du lịch bằng đường bộ. Bộ Du lịch Campuchia cũng chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch Việt Nam vào Campuchia. Đồng thời, phía Campuchia cũng tạo nhiều cơ chế chính sách mới để đón khách quốc tế, đầu tư về hạ tầng du lịch, kêu gọi các dự án đầu tư về du lịch, mở ra các đường bay từ Campuchia đến các tỉnh, thành phát triển du lịch của Việt Nam. Về phía Việt Nam, cơ quan Bộ Ngoại giao cũng góp phần kết nối, lan tỏa các giá trị, bản sắc văn hóa du lịch Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định: "Trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là du lịch nước ngoài, tôi mong có nhiều cơ sở dịch vụ tốt hơn để thu hút thêm các du khách nước ngoài đến với Tây Ninh. Bộ Ngoại giao sẵn sàng, quyết tâm đồng hành cùng với Tây Ninh trong các hoạt động đối ngoại để có thể tổ chức tốt các hoạt động kết nối, cũng như góp phần đưa Tây Ninh đến với bạn bè quốc tế".
Nhờ đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch với thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Campuchia, du lịch tỉnh Tây Ninh đã tranh thủ được vốn kinh nghiệm, công nghệ, nguồn khách, đẩy mạnh xúc tiến du lịch và hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động gắn kết hoạt động du lịch với du lịch khu vực và thế giới.
Có thể khẳng định, việc Tây Ninh thắt chặt quan hệ hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố của Vương quốc Campuchia đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền hình ảnh quê hương, con người và du lịch Tây Ninh tới bạn bè quốc tế. Tăng cường ngoại giao nhân dân, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, mở rộng, đa dạng hóa, đa phương theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, góp phần đẩy mạnh ngoại giao, chính trị, kinh tế, văn hóa và thế giới.
Theo bienphong.com.vn