Trang chủ
Thúc đẩy cải cách hành chính và chuyển đổi số tại tỉnh Tuyên Quang
Tin bài

Thúc đẩy cải cách hành chính và chuyển đổi số tại tỉnh Tuyên Quang

04/10/2024 - 16:10

Trong bối cảnh hiện nay, cải cách hành chính đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tại tỉnh Tuyên Quang, công tác cải cách hành chính đang được thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, qua đó đạt được những kết quả tích cực.

Năm 2024, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, các kế hoạch cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số xanh (PGI), chỉ số hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đều được chú trọng triển khai.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh với tổng cộng 1.865 thủ tục hành chính được triển khai trên hệ thống thông tin của tỉnh, trong đó có 1.065 thủ tục được cung cấp dịch vụ công toàn trình và 525 thủ tục dịch vụ công một phần. Tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận và xử lý trực tuyến đạt trên 1.474%, cùng với đó là việc triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu. Những kết quả này phản ánh nỗ lực của tỉnh trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, giảm thiểu thủ tục rườm rà, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.

Giao dịch viên Bưu điện huyện Na Hang tiếp nhận và chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Cùng với cải cách hành chính, tỉnh Tuyên Quang đã chủ động mời gọi và làm việc với nhiều nhà đầu tư, hỗ trợ các tập đoàn, công ty lớn tìm hiểu và triển khai dự án trên địa bàn. Từ đầu năm 2024 đến tháng 9/2024, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án, trong đó có một dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư trên 768 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến trong lĩnh vực đầu tư ngoài ngân sách cũng được thực hiện hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Trong giai đoạn từ năm 2021 - 2024, Tuyên Quang đã thu hút và phê duyệt chủ trương đầu tư cho 72 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký trên 31.165 tỷ đồng, đạt 62,3% mục tiêu của Đề án thu hút đầu tư tỉnh giai đoạn 2021-2025. Tính đến nay, tổng cộng 394 dự án đã được phê duyệt với tổng số vốn đăng ký trên 74.800 tỷ đồng, trong đó 292 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư trên 28.129 tỷ đồng.

Sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh. Từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 9/2024, đã có 211 doanh nghiệp mới được thành lập, tăng 8,76% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 2.819 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 35.785 tỷ đồng. Đáng chú ý, tỉnh còn có 16 hợp tác xã thành lập mới, nâng tổng số hợp tác xã lên 606, với tổng số vốn đăng ký hơn 2.392 tỷ đồng.

Song song với các hoạt động cải cách hành chính, Tuyên Quang cũng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Đề án 06 về chuyển đổi số được triển khai hiệu quả, đánh giá và xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước trên địa bàn đã được hoàn thành. Các tổ công nghệ số cộng đồng cấp huyện, cấp xã cũng được xây dựng và hoạt động tích cực. Tỉnh cũng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số, với các chương trình thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng rãi.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 01 ngân hàng số và 93 máy giao dịch tự động (ATM/CDM), khoảng 425 máy POS/mPOS và hơn 50.000 mã QR Pay đang hoạt động. Ngoài ra, hơn 800 đơn vị nhận lương từ ngân sách đã thực hiện chi trả qua tài khoản ngân hàng và có khoảng 732.000 tài khoản ngân hàng được mở tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Tuyên Quang đã hoàn toàn áp dụng hóa đơn điện tử, góp phần thúc đẩy quá trình số hóa trong hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, mô hình chợ 4.0 cũng đã được triển khai tại một số địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số.

Tuyên Quang không chỉ tập trung vào phát triển kinh tế trong nước, mà còn tăng cường hợp tác quốc tế. Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại, đón tiếp và làm việc với các đoàn công tác nước ngoài đến từ Đức, Hàn Quốc, Séc và nhiều quốc gia khác. Ngoài ra, 8 thỏa thuận hợp tác quốc tế đã được ký kết giữa tỉnh với các đối tác nước ngoài, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng.

Nhìn chung, những kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu thu hút đầu tư và phát triển bền vững, thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời không ngừng đổi mới và sáng tạo trong quản lý hành chính. Những bước tiến này mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương và cả nước.

Huyền Phan

bình luận

Liên kết website
Tuyen Quang
Trang thông tin đối ngoại tỉnh Tuyên Quang
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông
Giấy phép xuất bản số: 181/GP-TTĐT do Cục Thông tin điện tử cấp ngày 01/10/2019
Trụ sở: Đường Đại Lộ Tân Trào, phương Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang
Số người online
165
Số lượt truy cập
379
Số lượt truy cập tuần
23534
Số lượt truy cập tháng
233667
Hòm thư điện tử
tuyenquang.gov.vntuyenquang.gov.vn
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.
Ghi rõ nguồn 'Thông tin đối ngoại tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'www.doingoai.tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.
EMCTuyenQUang
Đã kết nối EMC