Tọa đàm "Ngoại giao kinh tế 50 năm đồng hành với sự phát triển của đất nước", ngày 14/10. (Ảnh: Tuấn Anh)
Hành trình 50 năm của ngoại giao kinh tế là chặng đường xây từ những “viên gạch” đầu tiên, phá thế bao vây cấm vận, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển; nghiên cứu/tham mưu, tham gia sâu vào tiến trình hội nhập của đất nước; tranh thủ nguồn lực phục vụ phát triển, ứng phó và xử lý các vấn đề phức tạp. Đó cũng là hành trình từ hoàn thiện về nội hàm đến phát triển thành trụ cột của nền ngoại giao toàn diện.
Đến nay, công tác ngoại giao kinh tế đã định vị chỗ đứng xứng đáng trong chuỗi giá trị phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, ngoại giao kinh tế lần đầu tiên được đưa thành một chủ trương trong văn kiện Đại hội XIII, là nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của ngoại giao Việt Nam, là động lực quan trọng để phát triển đất nước.
Để đạt được thành tựu kể trên, nửa thế kỷ qua, các thế hệ cán bộ ngoại giao luôn tâm niệm năm bài học. Thứ nhất, bám sát chủ trương, đường lối phát triển của Đảng, Nhà nước, thực tiễn của đất nước. Thứ hai, đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết, trước hết. Thứ ba, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhạy bén, kịp thời, càng khó khăn, càng phức tạp càng bản lĩnh, bình tĩnh, kiên trì.
Thứ tư, phát huy sức mạnh tổng hợp, tổng lực của các trụ cột đối ngoại để phục vụ ngoại giao kinh tế, phát triển đất nước. Thứ năm, phát huy đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Song song với đó là sự sáng tạo không ngừng, sự dấn thân, nỗ lực hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ khó khăn của các cán bộ ngoại giao để hội nhập sâu rộng, đưa lá cờ Việt Nam bay cao, vươn xa trên bản đồ thế giới như hiện nay.
Trong chặng đường mới, công tác ngoại giao kinh tế đặc biệt được quan tâm khi gần đây nhất, ngày 29/8, tại cuộc làm việc với Lãnh đạo cán bộ chủ chốt của Bộ Ngoại giao, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo: Ngoại giao kinh tế là một trong những trọng tâm ngoại giao thời đại mới, phải khơi dậy động lực bên trong, mở ra triển vọng phát triển mới, góp phần tạo bước nhảy vọt về tăng trưởng kinh tế bền vững, duy trì sự phát triển lành mạnh, ổn định của nền kinh tế toàn cầu và ứng phó với các thách thức mới.
Không chỉ thế, tại 10 cuộc làm việc về công tác ngoại giao kinh tế trong chỉ hơn ba năm qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên tục nhấn mạnh: Phải đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức về ngoại giao kinh tế, nắm chắc tình hình khu vực, thế giới, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng chính sách và thực hiện chính sách về ngoại giao kinh tế.
Đây là kỳ vọng cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đồng thời khiến việc triển khai công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới thêm trọng trách. Tiếp thu chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, ngoại giao kinh tế nỗ lực đổi mới tư duy, cách tiếp cận, triển khai để hỗ trợ hiệu quả hơn các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội; thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế với các đối tác chủ chốt; phát triển các hình thái mới như ngoại giao vaccine, ngoại giao công nghệ…
Khi thế giới bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo, của khoa học công nghệ - Việt Nam sẽ chuyển mình. Đặt trong bối cảnh đó, ngoại giao kinh tế được kỳ vọng sẽ nỗ lực hoàn thành sứ mệnh đóng góp cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo baoquocte.vn