Tiết mục tham gia liên hoan
Tham gia liên hoan có diễn viên 5 xã: Yên Lâm, Minh Hương, Tân Thành, Yên Thuận, Yên Phú. Các đơn vị tham gia đã biểu diễn các tiết mục hát, múa, độc tấu nhạc cụ dân tộc Mông, các làn điệu dân ca, dân vũ ca ngợi Đảng, Bác Hồ; tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, tình yêu trong lao động sản xuất; hát về khát vọng ước mơ hạnh phúc…. mang bản sắc đặc trưng của người Mông.
Kết thúc liên hoan, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất toàn đoàn cho xã Yên Lâm, 2 giải Nhì toàn đoàn cho xã Tân Thành và Minh Hương, 2 giải Ba toàn đoàn cho xã Yên Phú và Yên Thuận. Đồng thời, trao các giải ở nhiều nội dung thi đấu và biểu diễn.
Lãnh đạo Báo Tuyên Quang, huyện Hàm Yên trao giải Nhất toàn đoàn cho đội xã Yên Lâm.
Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cổ truyền, các môn thể thao của cộng đồng người Mông trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong huyện nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng; động viên nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” ở cơ sở, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, động viên tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hăng say lao động, sản xuất của đồng bào các dân tộc trong huyện.
Tiết mục múa hát của người Mông huyện Hàm Yên
Hiện nay, đồng bào Mông ở Hàm Yên hiện có hơn 450 hộ với gần 2.800 khẩu sinh sống tại 9/18 xã, thị trấn. Trong đó, tập trung ở xã Yên Lâm, Minh Hương, Yên Phú, Tân Thành. Đồng bào Mông đã không ngừng sáng tạo, bảo tồn và phát triển những nét văn hóa độc đáo đặc sắc trong đời sống văn hóa của dân tộc mình, đặc biệt nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa tại tỉnh Tuyên Quang đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Trước đó, Ban tổ chức đã tổ chức một số hoạt động thể thao đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông như: quay, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co.
Phạm Yến