Trang chủ
Khó mấy cũng phải làm
Tin bài

Khó mấy cũng phải làm

10/10/2023 - 16:09

Năm 2023 là năm bản lề, đánh dấu nửa chặng đường thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15-11-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVII về Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đều quyết tâm cao nhất, hoàn thành mục tiêu nằm trong Top 35 của cả nước về chuyển đổi số vào cuối năm nay.

Chuyển biến mạnh mẽ

Nghị quyết 48-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định: chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây cũng là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động của các cấp chính quyền. Trong quá trình chuyển đổi số phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan Nhà nước, tương tác với cơ quan Nhà nước để tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cũng tạo ra giá trị cho xã hội.
Cục Thuế tỉnh áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động quản lý thuế.

Nền tảng Chính quyền số (Tuyên Quang ID) đã được ra mắt và đưa vào sử dụng.  100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của các cơ quan nhà nước được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình. 50% hồ sơ thực hiện các DVCTT toàn trình và một phần được tiếp nhận và xử lý hoàn toàn trực tuyến. 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc khi sử dụng Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành tỉnh Tuyên Quang. 100% các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp xã được kết nối mạng số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính quyền số.

Năm 2022, chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang có giá trị là 0,5320 (tăng trưởng giá trị là 0,2471 so với năm 2021), xếp hạng thứ 48/63 tỉnh, thành phố (tăng 10 bậc so với năm 2021).

Kết quả thực hiện chuyển đổi số của tỉnh Tuyên Quang thời gian qua chính là kết quả của sự thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; đặc biệt là sự quyết tâm, quyết liệt, năng động, sáng tạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và sự ủng hộ, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân.

Vẫn còn những điểm nghẽn

Tuy nhiên, hiện nay, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng chính quyền số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu như: vẫn còn một số vùng lõm sóng thông tin di động, tỷ lệ dùng chung hạ tầng viễn thông và ngầm hóa trên địa bàn tỉnh còn thấp. Ở một số xã vùng sâu vùng xa, hệ thống hạ tầng phục vụ chuyển đổi số như: điện lưới, sóng điện thoại, điện thoại thông minh, máy tính,… chưa đầy đủ, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh chưa cao, 

Nhiều năm qua, 98 hộ ở thôn Bản Giòng, xã Thượng Nông (Na Hang) phải chịu cảnh sóng điện thoại lúc có lúc không. Trưởng thôn Bàn Hữu Bằng cho biết, mặc dù đã có sóng điện thoại nhưng rất chập chờn, khiến người dân không cập nhật được tình hình kinh tế - xã hội, tìm hiểu các mô hình sản xuất. Mỗi lần thông báo họp dân hoặc thông tin chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương rất khó khăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo ở đây còn cao, chiếm trên 60%. Mặc dù ở thôn đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng, tuy nhiên hoạt động mới dừng lại ở việc họp dân, tuyên truyền các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số. Việc thao tác, sử dụng các ứng dụng tiện ích còn hạn chế, hầu hết các hộ mới nghe mà chưa biết cách khai thác.
Đoàn viên thanh niên tích cực ứng dụng chuyển đổi số vào quá trình học tập.

Ngoài ra, vấn đề về nhân lực cho chuyển đổi số cũng là trở ngại, phần lớn cán bộ làm công tác tham mưu về công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các cơ quan chỉ thực hiện nhiệm vụ phụ trách, kiêm nhiệm nên việc chủ động tham mưu triển khai xây dựng chính quyền số còn chưa kịp thời. Nhận thức về Chính quyền điện tử, Chính quyền số, Chuyển đổi số của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn chưa đầy đủ nên chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Cuộc sống của người dân tộc thiểu số ở các huyện còn nhiều khó khăn, nhận thức còn nhiều hạn chế; kỹ năng số của người dân chưa cao và tập trung chủ yếu ở giới trẻ; số lượng người dùng các nền tảng số còn thấp…

Đồng chí Tái Văn Mùi, Chủ tịch UBND xã Linh Phú (Chiêm Hóa) chia sẻ, một trong những hạn chế hiện nay đó là bà con khó tiếp cận được các dịch vụ chính quyền số. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức, sự hiểu biết của bà con về các nền tảng số chưa đầy đủ. Bên cạnh đó là việc sử dụng các phương tiện kết nối dịch vụ công trực tuyến như điện thoại, Internet của người dân còn hạn chế. Ngoài ra, những khó khăn trong chuyển đổi số ở cấp xã còn xuất phát từ nhận thức của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn chưa đầy đủ về chuyển đổi số. Các xã chưa có nhân lực biên chế, được đào tạo về công nghệ thông tin nên gặp khó khăn khi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số…

Để giải quyết các điễm nghẽn trong chuyển đổi số, những nội dung liên quan đến hạ tầng số, nền tảng số, nhân lực cho chuyển đổi số cần phải có lộ trình đầu tư, trong đó điều quan trọng nhất hiện nay chính là cần phải giải quyết liên quan đến yếu tố nhân lực số. Vấn đề này, giải pháp cơ bản nhất vẫn chính là tăng cường tổ chức các hội nghị tập huấn nghiệp vụ, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, viên chức và người dân về chuyển đổi số.

Quyết tâm vào cuộc

Tỉnh xác định chuyển đổi số trên địa bàn phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp; người dân, doanh nghiệp thụ hưởng thành quả một cách thực chất và hiệu quả; hướng tới việc hình thành công dân số, xã hội số.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài và cần có sự quyết tâm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Từng cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân phải luôn sẵn sàng thay đổi nhận thức, coi chuyển đổi số thực sự là thời cơ, vận hội; từ đó ứng dụng các thành tựu của chuyển đổi số đem lại để phục vụ cho chính cơ quan, đơn vị mình, cho cộng đồng và xã hội. Việc phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số là nhiệm vụ đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, đồng bộ ở các cấp, các ngành, các đơn vị. Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, cộng với sự đồng thuận của toàn xã hội sẽ góp phần cho sự phát triển nhanh, bền vững trong việc xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số.

Chuyển đổi số là một quá trình thường xuyên, liên tục, kiên trì với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Với quyết tâm cao và tinh thần trách nhiệm, tỉnh Tuyên Quang sẽ phát huy tốt hơn ý chí tự lực tự cường, có thêm nhiều thành công trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số ở địa phương.
Theo baotuyenquang.com.vn

bình luận

Liên kết website
Tuyen Quang
Trang thông tin đối ngoại tỉnh Tuyên Quang
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông
Giấy phép xuất bản số: 181/GP-TTĐT do Cục Thông tin điện tử cấp ngày 01/10/2019
Trụ sở: Đường Đại Lộ Tân Trào, phương Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang
Số người online
165
Số lượt truy cập
379
Số lượt truy cập tuần
23534
Số lượt truy cập tháng
233667
Hòm thư điện tử
tuyenquang.gov.vntuyenquang.gov.vn
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.
Ghi rõ nguồn 'Thông tin đối ngoại tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'www.doingoai.tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.
EMCTuyenQUang
Đã kết nối EMC