Hạm đội 272, Quân chủng Hải quân huấn luyện chiến đấu trên biển. Ảnh: Mai Thắng
Ký ức không bao giờ quên
Ngay sau khi tàu Ma-đốc bị Hải quân nhân dân Việt Nam đánh đuổi ra khỏi vùng biển của ta ngày 2/8/1964, đêm mùng 4/8/1964, chính quyền Mỹ dựng lên "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” vu cáo lực lượng Hải quân miền Bắc Việt Nam tiến công vào tàu chiến Mỹ đang hoạt động bình thường ở vùng biển quốc tế, để đánh lừa dư luận quốc tế và nhân dân Mỹ; lấy cớ đó để mở chiến dịch "trả đũa” mang tên "Mũi tên xuyên”. Ngày 5/8/1964, Mỹ chia làm 3 đợt bất ngờ tập kích ồ ạt gần như cùng một lúc vào các căn cứ, kho tàng, nơi trú đậu tàu của Hải quân ta suốt dọc ven biển miền Bắc từ Quảng Bình đến Quảng Ninh mở đầu cho hành động leo thang đánh phá miền Bắc. Trong trận đầu thử lửa với hải quân và không quân Mỹ, Hải quân nhân dân Việt Nam đã hiệp đồng chặt chẽ với quân dân miền Bắc dũng cảm đánh trả quyết liệt, bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống giặc lái Mỹ đầu tiên trên vùng biển, vùng trời miền Bắc.
Chiến thắng ngày 02 và 05/8/1964 của bộ đội Hải quân, Phòng không Không quân và quân dân miền Bắc đã giáng một đòn mạnh vào uy thế của Hải quân Mỹ, làm cho Lầu Năm góc phải bàng hoàng; đồng thời cổ vũ mạnh mẽ ý chí của quân và dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đây là chiến công tiêu biểu đầu tiên của Quân chủng Hải quân sau 9 năm thành lập - mở đầu trang sử chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng; đồng thời đây cũng là chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trong trận chiến đấu ấy, 78 cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh. Máu của các anh đã thấm đẫm, hòa quyện vào từng tấc đảo, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc, tô thắm lá cờ vinh quang của Đảng, của Tổ quốc, làm sáng đẹp hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, làm rạng rỡ trang sử vẻ vang của QĐND Việt Nam Anh hùng.
Để tường tận về trận đánh trên sông Hòn Ngư (Nghệ An) 60 năm trước và người anh hùng, thuyền trưởng Tàu 187 Lê Văn Tiếu, khi một cánh tay bị dập nát vẫn bình tĩnh dùng băng treo tay ngang ngực, tay còn lại vẫn nắm vững tay chuông điều khiển tàu cơ động đánh trả các đợt công kích của máy bay địch và đưa tàu về bến an toàn, chúng tôi đến nhà Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kim Nông. Không bất ngờ bởi căn nhà giản dị khiêm nhường của vị Đại tá nằm cạnh những khối nhà cao tầng, nhưng bất ngờ về tinh thần và chí khí chiến đấu của người cựu binh đã về với cuộc sống đời thường hơn 20 năm. “Mình vẫn là người lính biển, chỉ khác là lính biển của đời thường thôi. Nói thật, 60 năm rồi, nhưng trận đánh ngày ấy vẫn hằn nguyên trong ký ức mình, không bao giờ quên và mãi mãi như thế” - Đại tá Nông đón chúng tôi trong niềm trân trọng như thế.
Tách trà xanh đặt ra bàn ở phòng khách, Đại tá Nông bắt đầu câu chuyện với khí thế hừng hực: “Ngày ấy nói đánh Mỹ là sướng lắm. Mặc dù gian khổ, song tinh thần chiến đấu luôn sôi sục. Cứ nghĩ đến giặc Mỹ là chúng tôi sẵn sàng hi sinh. Chỉ tiếc ngày ấy mình không chiến đấu và cống hiến nhiều hơn nữa”.
- Câu chuyện về thời khắc chiến đấu đó thế nào, thưa ông?
- Lúc đó, tôi giữ chức vụ chiến sĩ hàng hải trên tàu 187, anh Lê Xuân Tiếu làm thuyền trưởng. Trưa ngày 5/8/1964, tàu chúng tôi đang neo tại Hòn Ngư (Cửa Hội, Nghệ An). Vừa ăn cơm xong, bắt đầu nghỉ trưa thì thấy chuông báo động liên hồi, thì ra máy bay thả bom thành phố Vinh, các căn cứ Hải quân và bị ta đánh trả quyết liệt. Sau khi phát hiện tàu Hải quân ta, địch điên cuồng trút bom liên tiếp. Là chiến sĩ hàng hải nhưng tôi đảm nhiệm luôn tiếp đạn cho vị trí pháo số 3 phía trước. Trước những đợt dội bom của Mỹ, thuyền trưởng Lê Xuân Tiếu vừa động viên anh em giữ vững tinh thần chiến đấu, vừa trực tiếp cầm lái điều khiển tàu theo hình dích dắc dọc ngang tránh bom địch. Lúc đó, bom Mỹ dội xuống nhiều lắm, nhưng chẳng ai sợ. Bỗng một quả tên lửa của địch trúng đài chỉ huy tàu. Cánh tay trái của thuyền trưởng Tiếu bị mảnh đạn chém gần đứt rời, chỉ còn dính chút da. Để tiếp tục chiến đấu, anh Tiếu đã lệnh cho đồng chí Liêm là chiến sĩ báo vụ lấy dao chặt cho đứt hẳn, nhưng Liêm không dám làm. Anh Tiếu đành xé áo buộc chặt vết thương rồi giắt vào cạp quần cho khỏi vướng và tiếp tục chiến đấu.
Giọt nước mắt hai trận tuyến
Phút giây xúc động chen lẫn niềm kiêu hãnh khiến Đại tá Nông nghẹn lại. Ông nhấp thêm ngụm trà nóng rồi bảo: “Mỗi lần nhắc về đồng đội cũ lại thấy thương nhớ quá. Hơn nửa thế kỷ rồi, nhưng ký ức ngày ấy vẫn vẹn nguyên chưa hề phai nhạt”.
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kim Nông (thứ 2, từ phải sang). Ảnh: Mai Thắng
Nước mắt ông rưng rưng, giọng nghẹn lại, tiếp tục câu chuyện: “Trận chiến mỗi lúc một ác liệt. Chính trị viên tàu 187 lúc đó là đồng chí Đoàn Bá Ký chạy đi chạy lại như con thoi động viên anh em. Anh vỗ vai tôi - cậu lính trẻ mới tuổi 19, nói: bình tĩnh nhé. Anh vừa dứt lời, tôi như nghe tiếng đổ ịch đằng sau. Ai ngờ, anh đã bị trúng đạn. Lúc đó, mắt anh vẫn mở, nước mắt trào ra, môi mấp máy như muốn nói điều gì. Tôi ghé sát tai anh mà không sao nghe được. Trong linh cảm, tôi hiểu anh nhắc chúng tôi hãy cố gắng giữ tàu. Bất thần, một tiếng nổ chớp lòe làm cả đội hình pháo bị hất văng. Chiến sĩ Bằng, Thuận hi sinh, anh Hy, anh Bê bị thương nặng. Khi tôi tỉnh dậy đã thấy mình nằm gọn trong gầm bệ pháo, toàn thân đầy máu, quần áo rách tươm. Lúc đó, toàn tàu chỉ còn 5 người lành lặn trong số 30 người. Lúc này, chiến sĩ Nguyễn Thanh Hải bị trúng đạn nằm gần bệ pháo. Tôi và mọi người bò đến đỡ anh dậy thì chỉ còn nghe được tiếng anh thều thào: “Dựng tôi dậy cho tôi nhìn Tổ quốc lần cuối”. Năm ấy, Hải tròn đúng tuổi đôi mươi. Anh ấy quê ở xã Nga Hải, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cùng quê với tôi, thương lắm”.
Khóc. Giọt nước mắt của người cựu chiến binh đã trải qua nhiều trận đánh hôm nay nhớ thương đồng đội chen lẫn niềm tự hào. 60 năm trước, chiến sĩ hàng hải Hoàng Kim Nông khóc để tiễn đưa đồng đội trên tàu. Và hôm nay, sau 60 năm, giọt nước mắt của người anh hùng đặc công nước thêm một lần nữa khóc thương cho những đồng đội thân yêu. Đó là giọt nước mắt của hai trận tuyến thời chiến và hòa bình. Giọt nước mắt xen lẫn nỗi đau và niềm kiêu hãnh. “Sau trận chiến đấu ấy, tôi không nghĩ là mình còn sống. Nhiều chiến sĩ ra đi khi tuổi còn rất trẻ. Họ đã hi sinh để tôi được sống, để sông biển Việt Nam tươi đẹp như ngày nay” - Đại tá Nông chia sẻ.
Quyết tâm giữ biển
Trong những ngày tháng 8 lịch sử này, các lực lượng Bộ đội Hải quân, từ miền núi đến miền xuôi, từ đất liền đến đảo xa, từ đài, trạm hay trên những con tàu lênh đênh trên biển xa, đang dấy lên phong trào thi đua và niềm tự hào thắng lợi của chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964. Trong niềm tự hào ấy, có những nhân chứng lịch sử đã trải qua suốt dặm dài cuộc chiến tranh, có những mái đầu bạc phơ bởi hàng nghìn lần lăn lộn với biển xa đảo vắng và cả những mái đầu xanh chưa một lần cầm súng. Mỗi người có một tâm trạng riêng, một cung bậc cảm xúc khác nhau khi nghe các cựu binh kể về trận đánh lịch sử, nhưng tất cả có một điểm chung là tự hào kiêu hãnh về chiến công vang dội trận thắng đầu và quyết tâm một lòng bảo vệ biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
“Trận thắng đầu cách đây 60 năm về trước chính là ngọn lửa chiến đấu anh dũng, là bài học về cách đánh thao lược sáng tạo để thế hệ hôm nay noi gương và tiếp bước, cho đến bây giờ nó còn nguyên giá trị lịch sử. 60 năm là chặng đường khá dài so với dòng chảy thời gian, song chiến công của trận thắng đầu vẫn vang vọng, đã và đang được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam kế thừa, mà bằng chứng cụ thể là bảo vệ yên bình biển đảo của Tổ quốc trong 60 năm qua. Chiến công của trận thắng đầu không chỉ khẳng định đường lối chiến lược, nghệ thuật tác chiến trên sông biển, mà còn khẳng định sức mạnh tinh thần dám đánh và quyết thắng của Bộ đội Hải quân tuy còn non trẻ, là bàn đạp để chiến thắng những trận đánh sau đó” - Trung tá Nguyễn Viết Chức, nguyên thuyền trưởng tàu HQ-07, Lữ đoàn 171 Hải quân nói.
Đại úy Trần Huy Thân, Chính trị viên Nhà giàn DK1/9 chia sẻ: “Tôi là lớp sĩ quan trẻ biết chiến thắng trận đầu qua lịch sử. Là những người trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển trên thềm lục địa, kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc của cha ông đi trước vừa là trách nhiệm, vừa thể hiện tình yêu biển đảo của Tổ quốc. Năm 1964, các bác, các chú đã đánh đuổi tàu giặc ra khỏi vùng biển của mình, thì nay chúng tôi phải quyết giữ cho bằng được vùng biển đảo, vùng trời của Tổ quốc, dù gian khổ và hi sinh”.
Theo bienphong.com.vn