Vết thương lòng mẹ còn nặng mang
“Nước mắt mẹ không còn, vì khóc những đứa con. Lần lượt ra đi... đi mãi mãi...”. Giữa những ngày tháng 7 tri ân, chúng tôi trở lại thăm ngôi nhà của Mẹ Giã - người phụ nữ đã hiến dâng cho Tổ quốc 2 người con trai yêu quý. Mẹ năm nay đã yếu hơn. Thân hình gầy gò chỉ chừng ngoài ba chục cân. Dù trí nhớ đã bị thời gian làm cho lẫn lộn cả nhưng khi hỏi về các con của Mẹ thì cả “khoảng trời” trong Mẹ dường như bừng sáng.
“Thằng anh nhập ngũ năm 1971, rồi sau đó hai thằng em cũng lần lượt đòi đi. Tổ quốc cần thì chúng nó lên đường. Thời còn trẻ, Mẹ cũng là thanh niên xung phong, làm nhiệm vụ ở nhiều tuyến đường, hết vận chuyển gạo lại vận chuyển súng, đạn cho chiến trường. Mẹ hiểu lòng chúng nó nên Mẹ cũng chẳng ngăn cản. Mẹ có 5 đứa con thì có 4 con trai. Ba đứa con trai lên đường nhập ngũ thì chỉ có thằng Lê Ngọc Sơn trở về. Rồi sau đó, thằng Sơn cũng bị tai nạn giao thông mà chết trong đau đớn” - Mẹ nói rồi quay đi đôi mắt đỏ hoe.
Mẹ Giã ngắm ảnh của liệt sỹ Lê Thanh Hải.
Ông Lê Văn Hồng, người con trai út đang sống cùng và chăm sóc Mẹ Giã cho biết: “Hai con trai của Mẹ đều hy sinh khi mới 20, 23 tuổi, chưa có vợ con. Biết bao hoài bão, ước mơ còn dang dở. Anh Lê Thanh Hải (sinh năm 1952) hy sinh ở chiến trường Lào năm 1972. 10 năm sau khi nhận giấy báo tử của anh Hải, nỗi đau của Mẹ vừa mới vơi bớt chưa được bao thì Mẹ lại nhận giấy báo tử thứ hai của anh Lâm Văn Tuân (sinh năm 1959) hy sinh ở chiến trường Campuchia năm 1982. Nỗi đau chồng chất, bao đêm Mẹ khóc ướt gối.
Ngày cứ thẫn thờ, nhiều khi gọi tôi còn nhầm tên các anh. Dù gia đình đã gửi thông tin để nhờ cơ quan chức năng tìm kiếm hài cốt nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tín”, chưa biết hai anh đang nằm ở phương trời nào. Là con trai duy nhất còn lại của Mẹ, tôi cũng chỉ biết phụng dưỡng và động viên Mẹ, sinh con cho Mẹ ẵm bồng, chăm sóc cho vơi bớt nỗi buồn”.
Lấy ra từ trong tủ những bức ảnh và giấy tờ của hai anh, Mẹ trầm ngâm kể: “Một lần Mẹ nằm mơ hai đứa nó trở về cùng với 4 đồng chí nữa. Chúng bảo, bọn con đi bằng máy bay, máy bay để ngoài đầu làng, chúng con về thăm Mẹ một lát thôi, Mẹ nấu cho bọn con một bữa cơm nhé. Ăn xong là chúng nó vội đi ngay. Mẹ tỉnh dậy chẳng thấy chúng nó đâu. Chúng nó đi hẳn rồi chẳng trở về trong giấc mơ của Mẹ lần nào nữa”. Mẹ cầm di ảnh, lần sờ lên khuôn mặt của từng anh rồi bảo: “Đến giờ, Mẹ chỉ mong tìm thấy hài cốt của hai con mẹ, được ôm các con vào lòng lần cuối, đón các con trở về yên nghỉ nơi quê nhà nhưng thời gian của Mẹ chẳng còn nhiều nữa”.
Mẹ đã có nhiều đứa con
Khi được hỏi về thời tuổi trẻ, Mẹ như phấn chấn trở lại. Mẹ khoe, Mẹ từng là hội viên tích cực của phân chi phụ nữ xã Kim Phú, rồi được cả Hội LHPN huyện Yên Sơn tặng Giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 8 năm liên tục năm 1988. Rồi Mẹ lấy chiếc giấy khen ố màu đã được ép plastic cẩn thận đưa cho tôi xem.
Đúng lúc ấy các đồng chí cán bộ, chiến sỹ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự thành phố cùng nhau đến thăm Mẹ. Các anh đã ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe, việc ăn uống của Mẹ có tốt không... Các anh cũng ân cần trao tặng Mẹ những phần quà để động viên tinh thần.
Cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh và thành phố Tuyên Quang thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Lâm Thị Giã.
Trung tá Hoàng Trường, Trưởng Ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh cho biết: “hoạt động phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Lâm Thị Giã được Đại tá Đặng Văn Long, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh đã ký Quyết định từ năm 2021. Từ đó đến nay, việc phụng dưỡng Mẹ được Bộ CHQS tỉnh thực hiện đều đặn hàng quý (tháng cuối quý). Bộ CHQS tỉnh trích từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của đơn vị được giữ lại hàng năm giao cho Ban CHQS thành phố để thực hiện phụng dưỡng Mẹ với mức 500 nghìn đồng/tháng.
Ngoài ra, trong những dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm lớn, cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS thành phố cũng thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà động viên Mẹ. Bộ CHQS tỉnh cũng chỉ đạo Ban CHQS thành phố tổ chức cho lực lượng dân quân thực hiện vệ sinh nhà cửa, sân vườn, giúp đỡ gia đình Mẹ khi có công việc. Chúng tôi hy vọng những hoạt động ấy sẽ san sẻ, an ủi, bù đắp được phần nào nỗi đau và mất mát của Mẹ. Đồng thời tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ sau biết quan tâm, chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng”
Theo ông Lê Văn Hồng, ngoài Bộ CHQS tỉnh, hiện Mẹ đang được 4 đơn vị khác nhận phụng dưỡng gồm: Công ty Điện lực Tuyên Quang và 3 đơn vị của Nhà máy Chè sông Lô. Ngoài ra, vào các dịp lễ, tết, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27-7, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, tặng quà Mẹ. Hai năm gần đây, tổ chức Đoàn và tổ chức Hội Phụ nữ cũng tới thăm hỏi, động viên và nấu cho Mẹ những bữa cơm. Các chị, các cháu còn giúp gia đình lau dọn, vệ sinh nhà cửa, chải tóc, xoa bóp cho Mẹ nên Mẹ cũng vui vẻ, phấn khởi hơn.
Mẹ vui vẻ khoe thêm, hôm trước các chị phụ nữ Công an tỉnh vừa đến nấu cơm cho Mẹ. Mấy hôm nữa các cháu ở bên Đoàn cũng đến. Tôi hỏi Mẹ: “Mẹ ăn cơm có ngon miệng không?”. Mẹ bảo: “Vẫn là các món được làm từ thịt, cá, đậu, rau nhưng Mẹ ăn ngon miệng lắm. Mẹ thấy trân quý tấm lòng của Đảng, Nhà nước, của các cơ quan, đoàn thể đã quan tâm. Mẹ cảm thấy vui khi được các con đến quây quần, động viên. Mẹ mất 2 đứa con nhưng giờ Mẹ hạnh phúc vì đã có thêm nhiều đứa con khác.
Chia tay Mẹ Giã, tôi thầm mong Mẹ sẽ khỏe, có thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống, sớm ngày tìm được và đón những người con của mình trở về.
Theo Báo Tuyên Quang